Lăng Kính Chuyên Gia (2023)
KỲ 3: Sự Nỗ Lực Từ Nhiều Phía Để “Cứu” Bất Động Sản 2023
1) Thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành tập trung rà soát để tháo gỡ các khó khăn của thị trường bất động sản về vốn và pháp lý, nhằm giúp hoãn nợ và giãn nợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn
Đặc biệt, Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ “về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” (Nghị quyết 33) đã nhận được nhiều ý kiến tích cực từ giới chuyên gia, doanh nghiệp.
Sự Quyết Tâm Của Chính Phủ & Chính Quyền Các Cấp
Giữa tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” với sự tham dự của lãnh đạo các Bộ Xây dựng, Kế hoạch & Đầu tư, Tài nguyên & Môi trường, Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng như nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn trong nước.
Tại Hội nghị, Thủ tướng đã chỉ ra 8 vấn đề chính của thị trường bất động sản hiện nay. Đáng chú ý là vấn đề cơ cấu sản phẩm còn lệch pha và phân khúc cao cấp nhiều, nhưng ngược lại phân khúc cho người thu nhập thấp lại thiếu hụt. Ngoài ra, giá cả chưa hợp lý. Theo đó, Chính phủ đã đưa ra nhiều chỉ đạo nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn cũng như thúc đẩy thị trường tiếp tục phát triển bền vững và lành mạnh. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ đối với ngành bất động sản và xem đây là một trong những ngành kinh tế đặc biệt quan trọng.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, Nghị quyết 33 của Chính phủ đã đánh giá chính xác tình hình thị trường bất động sản hiện nay, xác định cụ thể các khó khăn, vướng mắc chủ yếu, chỉ rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan.
*Tìm Hiểu Chuyên Sâu: Marketing Bất Động Sản Năm 2023: Trạng Thái “VUCA” Đòi Hỏi Sự Kiên Định
Cụ Thể Về Nghị Quyết 33
Cũng tại Nghị quyết 33, Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ, … Bên cạnh đó, các dự án bất động sản có đủ điều kiện pháp lý, khả năng tiêu thụ sản phẩm và kế hoạch trả nợ sẽ được tạo điều kiện tiếp cận tín dụng. Đồng tình với giải pháp giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng – cho biết, ông đã nhiều lần đề xuất Chính phủ cần có chương trình hoãn, giãn nợ quốc gia cho tất cả doanh nghiệp sắp đến hạn, nhưng chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Cuối tháng 2/2023, TP.HCM họp với chủ đầu tư của bảy dự án để tháo gỡ khó khăn cho họ và thẩm định lại câu chuyện doanh nghiệp kiến nghị vướng thủ tục pháp lý, cụ thể trách nhiệm sẽ thuộc về ai.
2) Nỗ Lực “Tự Cứu” Của Doanh Nghiệp Bất Động Sản
Doanh nghiệp bất động sản muốn vượt qua giai đoạn khó khăn này, trước hết phải tự tìm cách “cứu’ lấy mình, trong khi chờ các giải pháp tháo gỡ về mặt thủ tục chính sách.
Ông Hoàng Văn Cường – Ủy viên Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng: “Phần lớn các khó khăn của doanh nghiệp hiện nay có lẽ xuất phát từ yếu tố khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính quá trình phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp đã không tính đến việc quản trị tốt các bài toán rủi ro, đặc biệt là phụ thuộc quá lớn vào các nguồn vốn huy động từ bên ngoài. Chính vì vậy, ngay lúc này, doanh nghiệp phải tự cứu mình trước khi trông chờ vào những sự hỗ trợ khác. Đó là phải tái cấu trúc lại các danh mục đầu tư, phải quyết tâm cắt bỏ những phần chưa thể mang lại hiệu quả ngay, thậm chí chấp nhận các khoản lỗ để tập trung nguồn lực đầu tư vào các hạng mục chính“.
*Góc Truyền Thông: Inbound Marketing – Chiến Lược Vị Lai Dành Cho Những Nhà Chiến Lược Marketing Bất Động Sản
Thực tế, nhiều doanh nghiệp chạy theo guồng quay của giá cả BĐS, tạo ra những sản phẩm không phục vụ nhu cầu thực của thị trường. Do đó, đầu tiên doanh nghiệp phải căn chỉnh lại chiến lược kinh doanh, đi theo hướng bền vững chứ không ăn xổi nữa; cũng như phải cơ cấu lại phân khúc sản phẩm phù hợp với thị trường hiện tại. Tất cả đều nhằm mục đích bán được sản phẩm, có được dòng tiền để thanh toán, kích thích guồng quay kinh tế.
“Cần phải minh bạch hóa hoạt động của mình, minh bạch hóa hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn. Ngoài ra, phải đa dạng hóa nguồn vốn hơn nữa, không chỉ trông cậy vào mỗi vốn tín dụng ngân hàng vì bản chất của vốn tín dụng ngân hàng là vốn ngắn hạn nhiều hơn là vốn trung và dài hạn. Và đặc biệt là chấp nhận bán tài sản, thậm chí là giảm giá một số dự án, công trình để có thể giải quyết được những nợ nần, nhất là những trái phiếu chuẩn bị đáo hạn năm nay và năm tới“, ông Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia cho biết.
Tóm lại, doanh nghiệp phải tự cứu mình để ổn định tài chính. Song song đó, Nhà nước cũng sửa lại những rào cản về chính sách đang ngáng chân doanh nghiệp, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn cho thị trường bất động sản hiện nay.
*Xem lại các kỳ trước:
- KỲ I – Tín Hiệu Vui – Thị Trường Bất Động Sản Năm 2023
- KỲ II – “Đón Sóng” Giữa Thị Trường Bất Động Sản Đầy Biến Động
Munkas Creative Agency