Gần đây, các chiến dịch quảng cáo Fake OOH hay được gọi là quảng cáo ngoài trời “giả” đang trở thành làn sóng mới bao phủ trên các nền tảng mạng xã hội. Không nằm ngoài xu hướng đó, các thương hiệu bất động sản cũng đã tham gia vào sân chơi mới toanh này và thu về một số thành công nhất định.

  1. Fake OOH là gì?

Fake Out-Of-Home (FOOH) là những chiến dịch sử dụng công nghệ CGI, AR hoặc 3D để tạo ra hiệu ứng hình ảnh siêu thực. Một điển hình là việc sử dụng CGI (Computer Generated Imagery) để tạo ra các hình ảnh hoặc cảnh quảng cáo như thật, khi thực chất đó chỉ là sự mô phỏng. Với nhiều lợi thế, gần đây nhiều chiến dịch quảng cáo dùng fake OOH gây viral lớn và được đánh giá cao. 

(FOOH được thực hiện với nhiều ý tưởng mới lạ kết hợp với sản phẩm của doanh nghiệp)

2. Fake OOH: Lợi ích & thách thức

2.1. Lợi ích của xu hướng quảng cáo Fake Out-of-home

  • Tiết kiệm chi phí:

So với quảng cáo ngoài trời truyền thống bởi nó tốn chi phí khá đắt đỏ, thường yêu cầu thời gian thực hiện cũng như sản xuất dài. Doanh nghiệp sử dụng Fake OOH chỉ cần tốn chi phí thiết kế trên máy thông thường tốn vài trăm đến vài ngàn USD.

Kế đến, Fake OOH có thể thực hiện gần như mọi ý tưởng. Sản xuất và vị trí quảng cáo có những giới hạn của nó, cũng như nhiều vị trí không thể thực hiện quảng cáo ngoài trời. Nếu thực hiện trên máy tính thì có thể chọn mọi vị trí và mọi loại hình.

  • Không bị chi phối bởi môi trường và vị trí địa lý:

Thay vì chỉ hướng đến nhóm đối tượng trong vị trí địa lý, FOOH có thể đưa quảng cáo thương hiệu đến bất cứ đâu. Ngoài ra, doanh nghiệp không cần phải cân nhắc về việc nghiên cứu vị trí đặt quảng cáo ở đâu để tiếp cận nhóm khách hàng mục tiêu của thương hiệu. Đồng thời, fake OOH không bị tác động bởi yếu tố môi trường tự nhiên và thời gian hiển thị quảng cáo.

  • Dễ viral trên truyền thông:

Khác với những biển quảng cáo ngoài trời quá quen thuộc trên mỗi con đường, Fake OOH mang lại cảm giác nửa giả nửa thật một cách độc lạ. Điều đó dẫn dắt người xem kích thích thị giác, tò mò nhiều hơn về chiến dịch và tích cực tham gia thảo luận, tăng tương tác với thương hiệu trên mọi nền tảng. Ngoài ra có thể thấy, hình ảnh của các chiến dịch đều được đầu tư vô cùng chỉn chu, khiến người xem không thể không “há hốc” và khó mà rời mắt bởi những hiệu ứng vô cùng mãn nhãn.

2.2. Nhược điểm của xu hướng OOH

  • Dễ gây ra hiểu lầm trong quảng cáo:

Việc tạo ra quảng cáo không có thật ở thực tế có thể sẽ khiến cho thương hiệu tự đánh mất niềm tin của khách hàng. Nếu người tiêu dùng cảm thấy bị đánh lừa hoặc bị mơ hồ về tính chính xác của thông điệp quảng cáo, họ có thể có cảm giác tiêu cực về thương hiệu và không muốn tương tác hoặc mua sản phẩm hoặc dịch vụ của họ.

  • Yêu cầu cao về mặt kỹ thuật:

Hiện tại, công nghệ FGI ở Việt Nam chưa phát triển mạnh, doanh nghiệp có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hoặc sẽ phải tốn nhiều chi phí cho đối tác thuê ngoài.

  • Gặp rủi ro về pháp lý:

Phương thức quảng cáo này vẫn còn quá mới đối với thị trường Việt Nam nên còn gặp tình trạng hạn chế về pháp lý. Không phải bất kỳ địa điểm cũng có thể được xuất hiện trong clip quảng cáo, đặc biệt là các địa điểm di tích lịch sử hay các biểu tượng,… Khi triển khai Fake OOH, doanh nghiệp cần nắm rõ về quy định Luật Quảng cáo, đặc biệt là khi sử dụng hình ảnh thực vào trong hình ảnh/video quảng cáo FOOH. Tránh sử dụng nội dung không có sự cho phép từ chủ sở hữu có thể xâm phạm quyền tác giả/quyền sở hữu trí tuệ.

  1. Các chiến dịch Fake OOH được thương hiệu bất động sản áp dụng
  • Chiến dịch “Blue Zones” – Ecopark – Dự án EcoVillage Saigon River:

Vào tháng 11/2023, công chúng đã được dịp chiêm ngưỡng và thảo luận hăng say về chiến dịch Fake OOH nổi tiếng đến từ dự án EcoVillage Saigon River của ông lớn Ecopark. Đây là một trong những thương hiệu đầu tiên áp dụng xu hướng FOOH vào marketing bất động sản. Ở chiến dịch này, Fake OOH là một trong những công cụ mà thương hiệu đã sử dụng. các hiệu ứng siêu thực của Fake OOH phủ xanh các biểu tượng của Sài Gòn, hay xe bus với khung chữ Blue Zones to khổng lồ chạy quanh khu vực trung tâm TP.HCM.

Theo hệ thống Social Listening đằng sau chiến dịch nói lên rằng, từ khi bắt đầu vào 15/9, Blue Zones đã tạo ra 3.495 thảo luận và nhận được đến 55.094 lượt tương tác. Đỉnh điểm nổi bật là vào ngày 11/11 với hơn 1.994 thảo luận. Đặc biệt, hiệu ứng viral đã đưa dự án này trở thành một trong những dự án bất động sản được quan tâm nhất trong nửa cuối năm 2023. Có thể thấy, Fake OOH là chìa khóa vàng góp phần tạo nên những con số ấn tượng trên cho cả tổng chiến dịch của Ecopark. Đó là những con số hiếm gặp ở những chiến dịch quảng cáo trong ngành bất động sản.

  • Chiến dịch sáng tạo đảo Pizza – Vinhomes – Dự án Ocean City:

Nhằm quảng bá cho sự kiện Lễ hội Ý lớn nhất 2023 tổ chức tại Vinhomes Ocean Park 2… Mở đầu video, một chiếc máy bay xuất hiện từ trên cao và lần lượt rải những topping ăn kèm xuống nơi đang có chiếc pizza khổng lồ đang nằm chễm chệ trên mặt đất. Clip quảng cáo của Vinhomes đã thể hiện được nét văn hóa ẩm thực nước Ý cũng như tạo sự tò mò cho người xem. Chiến dịch này đã nhận được nhiều lời khen từ công chúng, khẳng định chủ đầu tư đã vẽ ra lối đi mới cho quảng cáo ngành bất động sản.

Không có giới hạn nào cho sự sáng tạo trong marketing bất động sản, Fake OOH sẽ là một ẩn số có tiềm năng thu hút người xem và tạo ra hiệu ứng lan truyền tốt cho thương hiệu. Dẫu vậy, đây vẫn là một bài toán mang tính dài hạn vì tính chất tách biệt hoàn toàn với thế giới thực. Quan trọng hơn hết là những rủi ro pháp lý trong quá trình triển khai vẫn là vấn đề tiên quyết khi thương hiệu cân nhắc đến khi triển khai xu hướng này.

Munkas Creative Agency