Chứng nhận công trình xanh được tạo ra nhằm khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường của việc xây dựng và vận hành tòa nhà. Bằng cách đặt ra các tiêu chuẩn để khuyến khích cải thiện chất lượng không khí trong nhà, ánh sáng tự nhiên và các tính năng liên quan đến sức khỏe khác, giúp các toà nhà hoà hợp hơn với thiên nhiên. Cùng với đó các tiêu chuẩn của chứng nhận công trình xanh giúp chủ đầu tư và đơn vị vận hành toà nhà giảm chi phí hoạt động bằng cách sử dụng hệ thống và thiết bị tiết kiệm năng lượng hơn, tăng giá trị của một tòa nhà, làm cho nó hấp dẫn hơn với các khách thuê và người sử dụng.

Thế nhưng, đến hiện tại, Việt Nam chưa có một bộ chứng chỉ Công trình Xanh nào do Bộ Xây dựng đưa ra mà chỉ áp dụng một số bộ chứng chỉ cơ bản, phổ biến của thế giới. Vậy giấy chứng nhận công trình xanh là gì? Đâu là các tiêu chuẩn công trình xanh trên thế giới? Mỗi tiêu chuẩn được đặt ra với những tiêu chí gì? Hãy cùng Munkas Creative Agency tham khảo ngay dưới đây.

  1. Giấy chứng nhận công trình xanh là gì?

Giấy chứng nhận công trình xanh là tiêu chuẩn đánh giá và công nhận các tòa nhà hoặc dự án đã đạt được mức độ bền vững về môi trường, hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Các dự án bất động sản cần đạt được khung tiêu chí được đặt ra bởi mỗi tổ chức chứng nhận. Tùy vào mỗi tiêu chuẩn khác nhau, thế nhưng mục đích chung của các chứng nhận vẫn là hướng về phát triển và duy trì môi trường xanh, thúc đẩy sự phát triển bền vững.

2. Các chứng nhận công trình xanh phổ biến tại Việt Nam

2.1. LEED

LEED (Leadership in Energy and Environmental Design) là một chương trình chứng nhận xây dựng xanh được phát triển bởi Hội đồng Xây dựng Xanh Mỹ (USGBC) nhằm thúc đẩy các thực hành thiết kế và xây dựng bền vững. Chứng nhận LEED đóng vai trò quan trong việc thiết lập khung cho chủ sở hữu và nhà vận hành tạo ra công trình xanh đạt chuẩn. Dự án sẽ được đánh giá theo thang điểm về hiệu suất môi trường bao gồm các tiêu chí như tiết kiệm năng lượng, bảo vệ nguồn nước, tuyển chọn vật liệu, chất lượng không gian bên trong và phát triển địa phương. Tùy vào số điểm mà các dự án đạt chuẩn theo thứ tự Bạc, Vàng và Bạch kim. Bất kỳ dự án nào được công nhận nghĩa là công trình đó sử dụng hiệu quả nước và năng lượng, thải ít khí CO2 và tận dụng tốt các nguồn tài nguyên ở địa phương.

2.2. LOTUS

LOTUS là hệ thống tiêu chí công trình xanh đầu tiên được phát triển dành riêng cho thị trường Việt Nam, được phát triển bởi Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) – một dự án phi lợi nhuận của Green Cities Fund (California, Hoa Kỳ) hiện đang được chứng nhận rộng rãi ở các dự án tại Việt Nam. 

Hệ thống LOTUS được hình thành từ ba tiêu chí cơ bản: Điều kiện tiên quyết – Khoản – Điểm số. Mức chứng nhận tối thiểu của LOTUS NC (LOTUS Certified) được ấn định tại 40% tổng số điểm (không bao gồm 8 điểm thưởng). Giá trị này cho thấy công trình đã đáp ứng những yêu cầu tối thiểu để được coi là một công trình xanh. Các mức chứng nhận tiếp theo tương ứng với các mức 55% (LOTUS Bạc), 65% (LOTUS Vàng) và 75% (LOTUS Bạch kim) tổng số điểm.

2.3. EDGE

EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies) là hệ thống chứng nhận xây dựng xanh được tạo ra bởi Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới. EDGE được hình thành và phát triển nhằm mục đích khuyến khích các thực tiễn thiết kế và xây dựng bền vững bằng cách đánh giá hiệu quả tài nguyên của các công trình xây dựng. Chứng nhận EDGE sẽ đánh giá công trình qua ba lĩnh vực hiệu quả tài nguyên: năng lượng, nước và vật liệu. 

2.4. Green Star

Tiêu chuẩn xanh Green Star là bộ tiêu chuẩn đánh giá của Úc, được ban hành bởi GBCA – Green Building Council of Australia. Đây cũng là bộ tiêu chuẩn chưa được phổ biến ở nhiều nước khác nhau trên Thế giới vì chỉ giới hạn áp dụng trong phạm vi nước Úc. 

2.5. Green Mark

Chứng nhận Green Mark (viết tắt là GM) được cấp bởi Cơ quan Môi trường Xanh thuộc Bộ Xây dựng Singapore.Green Mark có cấu trúc tương tự với các hệ thống tiêu chí đánh giá quốc tế đã được ban hành trước đó, bao gồm một số tiêu chí bền vững như: hiệu quả về năng lượng, tiết kiệm nước, quản lý và vận hành bền vững,… Song bộ tiêu chuẩn này cũng có sự điều chỉnh đáng kể nhằm phù hợp hơn với vùng khí hậu nhiệt đới. Chứng nhận này bao gồm 3 cấp độ là Gold – Gold Plus và Platinum được phân chia dựa vào tổng số điểm mà dự án có được sau quá trình đánh giá.

2.6. WELL

Tiêu chuẩn xây dựng WELL là một chương trình chứng nhận dựa trên hiệu suất, tập trung vào việc thúc đẩy sức khỏe và sự an toàn cho người sử dụng tòa nhà. Nó được phát triển bởi Viện Xây dựng WELL Quốc tế (IWBI) và ra mắt vào năm 2014. Tiêu chuẩn này dựa trên bảy tiêu chí, hoặc “khái niệm”, bao gồm không khí, nước, nguyên liệu, ánh sáng, kiến trúc, sự thoải mái và tâm trí. Các tòa nhà đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn WELL Building có thể đạt được chứng nhận, được sử dụng để chứng tỏ cam kết thúc đẩy sức khỏe và sự an toàn.

Munkas Creative Agency