Để phù hợp với thị trường thực tế, việc thay đổi chiến lược nhận diện thương hiệu và cách truyền thông luôn là điều cần thiết. Nhưng thời điểm và cách thức thực hiện sự đổi luôn là một bài toán khó.
Nhiều doanh nghiệp sau thời gian hoạt động khoảng 10 năm, họ thường có chiến lược sửa bộ nhận diện thương hiệu. Và chắc chắn chi phí bỏ ra cho cuộc “lột xác” này cũng không hề nhỏ. Sự thay đổi này đã đặt ra 2 câu hỏi mà chắc chắn rất nhiều người đứng đầu gặp phải: Thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu khi nào là hợp lý? Có những lựa chọn nào khi một thương hiệu quyết định thay đổi bộ nhận diện?
Nhận diện thương hiệu: Thay đổi khi nào là phù hợp?
Trước khi ra quyết định thay đổi, người làm Marketing cần xác định rõ 2 câu hỏi. Thứ nhất, thương hiệu của mình được định nghĩa bản thân là gì? Thương hiệu đã thay đổi thế nào so với nét tính cách ban đầu hoặc những định hướng ban đầu về nhận diện thương hiệu có đang khiến khách hàng hiểu lầm. Thứ hai, thương hiệu đã thể hiện bản thân với khách hàng như thế nào?
Thực tế, chỉ nên thay đổi thương hiệu khi hình ảnh không còn phù hợp với thực tế hoặc đang trong quá trình chuyển đổi của chiến lược dài hạn. Cần lưu ý, tuyệt đối không tạo sự thay đổi khi chưa có một nền tảng vững chắc. Nhưng thị trường luôn thay đổi, dẫn tới các thương hiệu cũng thay đổi theo, vậy hãy cùng bàn về câu hỏi đầu tiên. Hình mẫu thương hiệu được tạo dựng như thế nào?
Hình mẫu thương hiệu là sự kết nối chặt chẽ giữa chiến lược dài hạn và quá trình khách hàng nhận diện nó. Hình mẫu là sự tổng hợp của nhiều tính cách. Khi thay đổi một hay nhiều tính cách, hình mẫu có thể được biến đổi để phù hợp hơn với chiến lược mới.
Tính cách thương hiệu càng chân thật thì khách hàng dễ dàng nhận ra. Cũng giống như con người, các tính cách cần có sự hài hòa với nhau. Chính vì thế, trong thời điểm thị trường dần bão hòa như hiện nay muốn tạo sự khác biệt, những người làm marketing cần tạo cho thương hiệu những tính cách không trùng lặp với đối thủ.
Hình mẫu ảnh hướng như thế nào đến nhận diện thương hiệu?
Trong bộ nhận diện thương hiệu, tính cách thương hiệu là cốt lõi và tiêu chuẩn cho mọi hạng mục sáng tạo xung quanh như tên thương hiệu, định vị, logo, màu sắc, kiểu chữ, cách thể hiện trong các ấn phẩm in ấn, truyền thông, phong cách giao tiếp với khách hàng,…
Khi đã thiết lập một hệ thống nhận diện thì chỉ cần một thay đổi nhỏ trong tính cách cũng sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu. Sau đây sẽ là một số lời khuyên giúp bạn đưa ra những quyết định thay đổi nhận diện thương hiệu phù hợp với chiến lược và hình mẫu được xác định từ ban đầu.
Đề cao nhận thức hơn thẩm mỹ
Những yếu tố như tên thương hiệu, logo và màu sắc chỉ nên thay đổi khi có sự “lột xác” mới trong hình mẫu. Bởi đây là những yếu tố đã khắc sâu vào tiềm thức khách hàng nếu thay đổi sẽ tạo nên nhiều thử thách mới.
Đối với những thương hiệu đã giữ được vị trí nhất định trong tâm trí khách hàng, nhận được sự tôn trọng và tình cảm lớn như Apple, Coca Cola, Nike,.. thậm chí những nhãn hàng nhỏ hơn, mọi quyết định thay đổi đều cần được cân nhắc một cách cẩn trọng. Bởi theo quy luật tự nhiên, ai trong chúng ta cũng đều lo sợ thứ mình yêu thích nhất sẽ thay đổi. Phản kháng ngay lập tức với sự thay đổi âu cũng là bản năng rất tự nhiên của con người.
Nếu không hư thì đừng sửa
Liệu có trường hợp hình mẫu của thương hiệu phù hợp nhưng thị trường lại không đón nhận nó như mong muốn?
Giả sử trong trường hợp các yếu tố nhận diện thương hiệu vẫn phù hợp với hình mẫu ban đầu, hãy xem xét các yếu tố còn lại trong kế hoạch truyền thông. Vấn đề thường xuất phát từ việc thiếu sự đồng nhất trong công tác truyền thông, giữa các kênh với nhau, kết quả dẫn đến việc giảm tương tác giữa khách hàng và thương hiệu.
Có thể nói, trước khi đưa ra quyết định thay đổi bộ nhận diện thương hiệu và phương thức truyền thông, lãnh đạo và những người làm marketing cần cân nhắc vấn đề nội – ngoại tại doanh nghiệp để tránh những rủi ro không nên có.
Nguồn: Doanhnhanonline.com.vn