Năm 2018 là một năm đầy biến động về kinh tế nói chung khi Mỹ và Trung Quốc vẫn đang trong cuộc chiến tranh thương mại. Điều này ảnh hưởng nhiều đến các quốc gia có hợp tác giao thương với 2 nước này, trong đó có Việt Nam. Tuy có chịu ảnh hưởng từ sự kiện này, nhìn chung thì Việt Nam đang nhận được những yếu tố tích cực, cụ thể là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của nước ta đã đạt con số cao kỷ lục 7,08%. Hãy cùng nhìn lại tình hình kinh tế Việt Nam qua những số liệu dưới đây.

 

hinh anh Viet Nam va phao hoa nam moi

            

Tình hình chung về kinh tế Việt Nam

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường kỳ tháng 1/2019 của Jones Lang LaSalle, vào cuối năm 2018, GDP của Việt Nam đạt được con số 7.08%, cao nhất từ trước đến nay tính từ năm 2008. Riêng quý 4 của năm 2018, đạt 7.31%, thấp hơn 0.34% so với quý 4 năm 2017 (theo VTV), và cao hơn so với giai đoạn năm 2011-2016 cùng kỳ.

Do thi bieu dien muc tang truong GDP giai doan 2008-2018

Kinh tế Việt Nam đạt kỷ lục tăng trưởng GDP năm 2018 với 7,08%

Cũng theo báo cáo này, khu vực Công Nghiệp xây dựng nước ta vào năm 2018 đã đạt được con số 8.85%, một mức tăng trưởng đáng kể từ trước đến nay; khu vực Dịch Vụ đạt được mức tăng trưởng là 7.03% và khu vực Nông-Lâm nghiệp là 3.76%. Theo nhận định của Tổng cục Thống kê thì những chỉ số tăng trưởng tích cực thu nhận được của năm 2018 là minh chứng cho sự hiệu quả từ định hướng tái cơ cấu cũng như các giải pháp của chính phủ về tăng trưởng kinh tế.

Chiến tranh thương mại Mỹ Trung – ảnh hưởng lên kinh tế Việt Nam

My va Trung Quoc so gang

Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc

Dự báo cho thấy, kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng từ nhiều khía cạnh mà trong đó, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hiện đang là một nhân tố rất lớn. Theo như tiến sĩ Nguyễn Đức Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách) cho hay thì hiện nay Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất Việt Nam năm 2018 với kim ngạch đạt 47.5 tỷ USD, tăng 14.2% so với cùng kỳ năm 2017. Một phần nguyên nhân có thể được xem là đến từ các đơn hàng chuyển dịch từ Mỹ. Trước mắt, hàng hoá Việt đang có được những ưu thế nhất định so với hàng hoá của Trung Quốc khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ; tuy nhiên đối với việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ lại là một thách thức có thể khiến các nhà xuất khẩu Việt Nam phải quyết định tái cấu trúc.

Cũng từ ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ Trung, Hàn Quốc hiện đang trở thành quốc gia đối tác nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, thay thế Trung Quốc trong năm gần đây. Với 29.6 tỷ USD so với 23.9 tỷ USD của Trung Quốc, các doanh nghiệp với vốn FDI lớn của Hàn Quốc đã có một năm nhập khẩu khối lượng tư liệu sản xuất rất lớn từ Việt Nam.

Hiện tại Việt Nam đang đón nhận làn sóng đầu tư và chuỗi cung ứng sản xuất được dịch chuyển từ Trung Quốc có thể giúp cải thiện cán cân thương mại của nước ta. Năm 2018, cán cân thương mại hàng hoá xuất siêu của nước ta đạt 7.2 tỷ USD, lớn nhất từ trước đến nay (theo VnExpress.net).

Về việc hàng hoá Trung Quốc gặp khải những khó khăn trong tiêu thụ ở thị trường Mỹ sẽ buộc nước này tính đến việc tìm kiếm thị trường mới thay thế, trong đó Việt Nam là một lựa chọn hàng đầu vì la quốc gia lân cận. Như vậy, các doanh nghiệp trong nước cần phải đẩy mạnh sức cạnh tranh để không bị chèn ép bởi các mặt hàng giá rẻ của họ. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra những biện pháp chặt chẽ trong việc phòng tránh và kiểm soát lượng hàng nhập lậu, hàng giả và hàng nhái đến từ quốc gia này trong tương lai.

Khép lại một năm đầy biến động, cuộc chiến tranh thương mại đặt ra nhiều câu hỏi về sức ảnh hưởng của nó lên nền kinh tế thế giới. Các quốc gia phải liên tục linh động trong việc cơ cấu chính sách của mình. Dưới góc nhìn của Việt Nam thì chiến tranh thương mại Mỹ- Trung đang tạo một đòn bẩy có lợi cho sự phát triển của kinh tế nước nhà trong ngắn hạn. Hy vọng năm 2019 sẽ tiếp tục mang lại những yếu tố có lợi cũng như khối cơ quan nhà nước sẽ tiếp tục đưa ra những chính sách khôn ngoan giúp nước ta tận dụng được những lợi thế đó.

Nguồn: Tổng hợp