Cho đến 2020, có lẽ người Việt chúng ta đã chứng kiến dòng dịch chuyển Tây hóa trên mọi lĩnh vực bao gồm bất động sản trong một khoảng thời gian đủ dài. Vậy hôm nay trước thềm năm mới 2020, chúng ta ngồi lại và luận bàn về sự Tây hóa và ý nghĩa của việc giữ gìn bản sắc trong nền công nghiệp bất động sản.
Dòng dịch chuyển của BĐS trong kỷ nguyên Tây hóa
Tây hóa trong lĩnh vực bất động sản ắt hẳn không còn là điều gì quá xa lạ với cộng đồng người Việt. Bởi lẽ Việt Nam đang trên đà hội nhập với quốc tế vô cùng vững mạnh từ hàng chục năm nay. Xu thế Tây hóa trong bất động sản dễ dàng nhận thấy từ cách đặt tên các dự án. Chủ đầu tư thường chuộng cách đặt tên quốc tế như Sunshine Diamond River (Quận 7), HausNima (Quận 9),… Cùng với đó, khi ngày càng nhiều tập đoàn nước ngoài tràn về Việt Nam thì xu thế Tây hóa bất động sản còn được thể hiện ở việc sáp nhập, hợp tác của chủ đầu tư Việt Nam với những tập đoàn nước ngoài: quản lý, tư vấn, thiết kế,… Không dừng lại ở việc quản lý, tư vấn, thiết kế mà còn tiến xa hơn ở việc nhượng quyền thương hiệu quốc tế về Việt Nam.
Bất động sản: Câu chuyện của hội nhập và sính ngoại
Tâm lý “sính ngoại” của khách hàng bất động sản một phần là gốc rễ dẫn đến xu hướng Tây hóa. Bởi lẽ khi nhắc đến một dự án bất động sản quốc tế: quốc tế từ đơn vị phát triển, đơn vị tư vấn, kiến trúc, tiện ích hay chỉ đơn giản là tên gọi, khách hàng cũng mang tâm lý tin tưởng vào chất lượng của những dự án này hơn.
Là một chuyên gia đứng ở góc độ trung lập, tôi không thể phủ nhận những mặt tích cực của xu hướng Tây hóa trong thị trường bất động sản: mở ra cho ngành bất động sản một diện mạo hoàn toàn mới (quốc tế, hội nhập,…), góp phần nâng cao uy tín chủ đầu tư và chất lượng dự án, bồi đắp lòng tin và sự an tâm nơi khách hàng.
Nhưng chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan, Tây hóa cũng có những ảnh hưởng không mấy khả quan đến bản sắc văn hóa và dân tộc Việt Nam. Khi những khách hàng khi tìm mua bất động sản, họ gặp khó khăn trong việc phát âm và nhớ những cái tên phức tạp như Angela Boutique Service Residence (Quận 3), River Garden Executive Residences (Quận 2), The Era Royal Plaza (Quận 7), Somerset Chancellor Court (Quận 1),… đến những cách đặt tên “nửa Tây nửa Ta” như Ninh Chữ Sailing Bay, Phú Mỹ Gold City, Peace Land Long An,… Những dự án cũng dần mất đi bản sắc riêng khi có những cái tên “na ná” nhau: Eco Green (Quận 7), Green Town (Bình Tân) hay Dream Home Plaza, Dream Home Residence, Dream Home Luxury,… Đến một người làm trong ngành mấy mươi năm như tôi còn phải chào thua trong việc ghi nhớ và phân biệt chúng.
Tạm kết Phần 1 của chuỗi bài Bất động sản 2020: Kỷ nguyên Tây hóa và luận về việc giữ gìn bản sắc, tôi muốn nói rằng cân bằng giữa hội nhập và giữ gìn bản sắc là nghệ thuật tinh tế đưa thị trường bất động sản vươn ra tầm thế giới đồng thời khẳng định vị thế trước sự ánh mắt ngưỡng mộ của bạn bè năm châu. Đón đọc phần 2 để thấy rõ góc nhìn về việc giữ gìn bản sắc bất động sản nhé.