Chưa bao giờ chiến lược dành cho các chiến dịch nhận diện thương hiệu lại nhiều như ngày nay. Và ngân sách đi kèm cũng không phải là một con số nhỏ.
Hiểu được những “nút thắt” mà những người làm truyền thông đang gặp phải, bài viết này sẽ mô tả các cách thức quản lý truyền thông làm sao để tối ưu chi phí ngân sách mà vẫn đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
Tạo dựng hình ảnh thương hiệu
Trước khi muốn tăng nhận diện thương hiệu hãy bắt đầu với việc xây dựng hình ảnh. Bởi đây là “nền móng” sẽ đồng hành cùng thương hiệu lâu nhất, thậm chí qua hàng nghìn thập kỷ. Có rất nhiều cách để nhận biết một thương hiệu nhưng đánh thẳng vào trực quan là một phương pháp được đánh giá có tính ảnh hưởng mạnh nhất. Điều đó được thể hiện qua Logo, màu sắc, font chữ, tên, slogan và tông giọng của thương hiệu. Khi những yếu tố trên được sắp đặt bài bản, hình ảnh, câu từ trau chuốt và truyền tải một cách đồng nhất, khách hàng sẽ đón nhận thương hiệu của bạn một cách gần gũi và đẩy cảm xúc nhất.
Rốt cuộc chúng ta cần làm gì? Thiết kế đẹp hoặc câu chữ hay vẫn chưa thật sự đủ. Hãy luôn giữ “chiến lược khác biệt hóa” thương hiệu xuyên suốt và rõ ràng khi quyết định các yếu tố liên quan đến hình ảnh.
Để xây dựng được “chiến lược khác biệt hóa”, bạn cần xác định được đâu là đặc tính giúp thương hiệu của mình khác biệt với đối thủ. Đầu tiên lựa chọn ra yếu tố mang đến lợi ích thật sự cho khách hàng. Tiếp theo, hãy cân nhắc cách tiếp cận về cảm xúc mà thương hiệu có thể làm để tạo sự khác biệt. Cuối cùng, bạn sẽ còn lại một vài điểm khác biệt, hãy dùng nó để làm trường hợp dự bị. Tuy nhiên, đôi khi chỉ cần một số ít trong những điểm còn lại cũng đủ để thương hiệu thành công khi định vị.
Với những sản phẩm/dịch vụ mang nét tương đồng, việc tìm ra điểm khác biệt về mặt lý tính là một điều rất khó. Chính vì thế, những giá trị cảm xúc là yếu tố quyết định sẽ kéo khách hàng trở lại với bạn. Để làm được điều đó, hãy tạo nên một con đường với những “điểm chạm” và dẫn họ vào đó. Hãy tạo cho khách hàng những cảm xúc tốt với thương hiệu từ lúc mua hàng cho đến những trải nghiệm hậu mãi. Hãy biến mỗi “điểm chạm” trở thành một trải nghiệm đáng nhớ và duy trì chiến lược để luôn tạo sự khác biệt cho thương hiệu của bạn.
Đồng nhất hình ảnh
Chắc chắn nhiều người làm truyền thông mặc định rằng thiết kế trên danh thiếp, xe tải hay banner quảng cáo có khác nhau cũng không sao. Nhưng trên thực tế, việc duy trì ngôn ngữ hình ảnh xuyên suốt sẽ giúp khách hàng không bị nhầm lẫn giữa thương hiệu của bạn và đối thủ.
Hãy nhớ rằng, mỗi phương thức truyền thông đều có 2 nhiệm vụ chính. Thứ nhất, giải quyết vấn đề chiến thuật truyền thông. Thứ hai, đẩy mạnh tính nhất quán trong việc nhận diện thương hiệu nhằm mục đích khắc sâu hình ảnh trong tâm trí khách hàng.
Phối hợp Marketing
Như đã nói trong phần đầu, xây dựng hình ảnh là một bước rất quan trọng đối với chiến lược truyền thông thương hiệu lâu dài. Đối với các chiến lược truyền thông ngắn hạn, bạn luôn phải gắn liền với mục tiêu marketing. Bởi bản chất của marketing là một ngành năng động và hay thay đổi. Chính vì vậy, các kế hoạch truyền thông dựa trên mục tiêu marketing thường chỉ có hiệu quả trong vòng một năm, còn đối với quảng cáo đôi khi chỉ trong vòng vài ngày.
Chúng ta cần phải làm gì?
Đối với những mục tiêu marketing không vì mục đích tạo nhận thức khách quan thì luôn cần được đo lường cụ thể, xác định rõ nhóm khách hàng mục tiêu, kết quả chính xác muốn đạt được. Cho dù kế hoạch truyền thông có bài bản tới đâu mà thiếu đi mục tiêu marketing rõ ràng thì rất khó đạt được kết quả như mong đợi.
Với mỗi kế hoạch truyền thông nhỏ, bạn không nên quá “tham” thông điệp, chỉ nên chọn duy nhất một thông điệp duy nhất, mọi thứ còn lại đều là thứ cấp. Chỉ có những ý tưởng rõ ràng mới dễ dàng được khách hàng tiếp nhận giữa thời đại nhiễu loạn thông tin.
Phương tiện truyền thông
Chắc hẳn bất kỳ ai khi hoạch định kế hoạch truyền thông đều sẽ rất khó khăn khi không biết lựa chọn kênh nào sẽ cho hiệu quả cao mà ít tốn kém.
Tuy nhiên, có một lời khuyên dành cho bạn, thay vì lựa chọn đâu sẽ là phương tiện truyền thông chính ngay từ đâu, bạn hãy dành nhiều thời gian tìm hiểu đối tượng/khách hàng mục tiêu. Bởi khi hiểu được thói quen, lối sống hoặc hành vi của họ, bạn sẽ khám phá được những “cánh cửa” truyền thông hiệu quả hơn.
Còn với ngân sách hạn chế thì sao? Đừng vội chia nhỏ ra để tiếp cận nhiều nhóm khách hàng khác nhau. Hãy “trung thành” với một phân khúc mà bạn đánh giá có thể đem về nguồn lợi nhuận lớn. Sau khi đã đủ “sở hụi”, bạn mới bắt đầu “bành trướng” ở các phân khúc khác.
Đo lường hiệu quả
“Tôi nên chi bao nhiêu tiền cho truyền thông thương hiệu?”. Câu trả lời sát nhất là còn tùy thuộc vào đối thủ của bạn là ai và họ đang chi tiêu cho những việc gì.
Bước tiếp theo bạn biết làm gì rồi phải không? Hãy dành chút thời gian để nghiên cứu đối thủ, xem họ đang sử dụng những phương tiện truyền thông nào để từ đó tính toán và ước lượng ngân sách cho thương hiệu của mình. Để sử dụng hiệu quả, hãy sử dụng các phương tiện phù hợp với khách hàng mục tiêu và tính các thương hiệu. Nếu được hãy trích một phần nhỏ ngân sách để thử nghiệm một vài phương tiện truyền thông mới đang được nhiều người dùng ưa chuộng. Biết đâu những phương tiện mới lại lại mang về hiệu quả lớn hơn.
Cân đối phương án truyền thông tuy tốn nhiều thời gian nhưng sẽ mang về cho thương hiệu lợi thế cạnh tranh hơn so với đối thủ, bởi bạn sẽ hiểu được khách hàng sâu sắc hơn. Lúc đó bạn sẽ thấy công sức bỏ ra hoàn toàn xứng đáng.
Nguồn: Doanhnhanonline.com.vn
Có thể bạn quan tâm:
5 xu hướng Marketing cho bất động sản trên Facebook
5 lỗi khiến bạn làm marketing bất động sản mãi không hiệu quả