Branding (Thương hiệu) là một trong những khía cạnh quan trọng của mọi doanh nghiệp từ lớn, nhỏ, bán lẻ đến B2B. Một chiến lược thương hiệu hiệu quả sẽ giúp bạn có được lợi thế trong thị trường cạnh tranh khốc liệt ngay. Nhưng “branding” thật sự nghĩa là gì? Làm sao doanh nghiệp nhỏ của bạn có thể tạo ra những ảnh hưởng trong thị trường?
Hiểu một cách đơn giản, thương hiệu là những lời hứa của doanh nghiệp nói với khách hàng, sẽ bộc lộ ra cái mà khách hàng có thể mong đợi từ sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp và nó phải thật sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh. Thương hiệu sẽ bắt nguồn từ việc doanh nghiệp là ai, hình tượng nào mà doanh nghiệp muốn trở thành và ai sẽ là người tiếp nhận doanh nghiệp.
Doanh nghiệp này có phải là những người sáng tạo trong ngành? Người có kinh nghiệm hay là người đáng tin cậy? Sản phẩm của doanh nghiệp có chi phí cao – chất lượng cao hay chi phí thấp – chất lượng cao? Doanh nghiệp không thể định vị được là cả hai và càng không thể trở thành mọi hình tượng để hướng đến tất cả mọi người. Việc xác định doanh nghiệp sẽ là ai sẽ dựa trên một mức độ mà khách hàng mục tiêu muốn và cần thương hiệu trở thành.
Nền tảng thiết yếu mà bắt buộc một thương hiệu phải có chính là logo. Website, bao bì và các công cụ liên quan đều phải được tích hợp với logo nhằm mục đích truyền thông và tăng mức độ nhận diện.
Tài sản và Chiến lược thương hiệu
Chiến lược xây dựng thương hiệu bao gồm việc bạn phải làm như thế nào, làm cái gì, ở đâu, khi nào và đến ai, lên kế hoạch thông điệp muốn truyền thông. Nơi mà bạn đặt quảng cáo, các kênh phân phối, việc giao tiếp bằng hình ảnh và lời nói cũng được xem là một phần trong chiến lược thương hiệu của bạn.
Việc xây dựng sự nhất quán và chiến lược sẽ tạo ra một tài sản thương hiệu mạnh, có nghĩa là giá trị gia tăng mang lại cho các sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty cho phép bạn tính phí nhiều hơn so với các sản phẩm cùng loại của đối thủ. Một ví dụ rõ ràng của điều này là Coke so với một loại soda thông thường. Bởi vì Coca-Cola đã xây dựng một tài sản thương hiệu mạnh mẽ, vì thế, họ có thể tính phí nhiều hơn cho những sản phẩm của hãng và khách hàng cũng sẵn sàng trả tiền để mua sản phẩm này với mức giá cao hơn.
Giá trị gia tăng nội tại đối với tài sản thương hiệu thường xuất hiện dưới dạng chất lượng cảm nhận hoặc sự gắn kết cảm xúc. Ví dụ, Nike đã cộng tác những sản phẩm của họ với những vận động viên nổi tiếng với hy vọng khách hàng sẽ chuyển những cảm xúc gắn kết của họ từ vận động viên sang sản phẩm.
Định vị thương hiệu
Định vị thương hiệu cũng giống như cuộc hành trình tự khám phá doanh nghiệp. Điều này có thể rất khó khăn, tốn thời gian và hoàn toàn không hề thoải mái chút nào. Nhưng ít nhất, bạn phải trả lời được các câu hỏi dưới đây:
- Sứ mệnh công ty của bạn là gì?
- Sản phẩm/Dịch vụ của bạn mang lại lợi ích và tính năng gì?
- Khách hàng hiện tại và tiềm năng đã nghĩ gì về công ty của bạn?
- Những phẩm chất nào mà bạn muốn liên kết với công ty của bạn?
Tiến hành những cuộc nghiên cứu, tìm hiểu về nhu cầu, thói quen và khao khát của khách hàng hiện tại lẫn tiềm năng. Và đừng bao giờ chủ quan về cái mà bạn nghĩ rằng khách hàng của bạn sẽ nghĩ. Hãy tìm hiểu thật kỹ để biết được điều thật sự khách hàng đang nghĩ.
Khi bạn đã định vị được thương hiệu, sau đó làm thế nào để bạn truyền đạt được đến với khách hàng của mình? Dưới đây là một số mẹo đơn giản:
Tạo ra một logo tuyệt vời và đặt nó ở mọi nơi
Viết ra thông điệp: Thông điệp chính mà bạn muốn truyền thông về thương hiệu là gì? Mỗi nhân viên nên nhận thức về các thuộc tính thương hiệu.
Tích hợp thương hiệu: Mở rộng thương hiệu đến mọi khía cạnh của doanh nghiệp như làm thế nào để trả lời điện thoại, những gì bạn hoặc nhân viên của bạn mặc trong các buổi bán hàng, chữ ký email,…
Tạo ra “tiếng nói” cho công ty để phản ánh thương hiệu: “Tiếng nói” này nên được áp dụng trong tất cả các văn bản truyền thông và kết hợp trong tất cả các hình ảnh trực quan của các vật liệu online và offline.
Phát triển khẩu hiệu: viết một điều gì đó ý nghĩa và súc tích để nhấn mạnh giá trị thiết yếu của thương hiệu.
Thiết kế mẫu và tạo tài liệu chuẩn cho thương hiệu trong các tài liệu tiếp thị: Sử dụng cùng một sắc độ màu, vị trí logo,.. Bạn không cần phải quá cầu kỳ, chỉ cần có sự nhất quán.
Hãy nói đúng về thương hiệu: Khách hàng sẽ không quay lại với bạn hoặc giới thiệu bạn với ai khác nếu bạn không thực hiện đúng lời hứa.
Hãy kiên định: Tôi đặt điểm này cuối cùng vì nó liên quan đến tất cả những điều trên và là mẹo quan trọng nhất tôi có thể cung cấp cho bạn. Nếu bạn không thể làm điều này, những nỗ lực của bạn trong việc thiết lập thương hiệu sẽ thất bại.
Có thể bạn quan tâm:
Những giá trị vĩnh cửu trong xây dựng thương hiệu
Sáng tạo được tạo ra từ những điều đơn giản
Digital Marketing 2019: 08 xu hướng không thể bỏ lỡ