“Bốn chấm không” (4.0) có vẻ là cụm từ đang được truyền thông nói chung và truyền thông bất động sản ưu ái những năm gần đây. Riêng với bất động sản, tần suất xuất hiện của nó trên các phương tiện truyền thông đang ngày càng trở nên dày đặc. “Căn hộ 4.0”, “Văn phòng 4.0”, “Officetel 4.0” là những từ khóa đắt giá được đầu tư truyền thông vô cùng mạnh mẽ trong đa số các chiến dịch truyền thông bất động sản.
Tuy nhiên, truyền thông về 4.0 trong bất động sản sẽ chỉ phát huy hiệu quả khi người làm marketing thấu hiểu trọn vẹn bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để liên kết chính xác nó đến những đặc tính sản phẩm, tránh nói sai hay phóng đại gây hoài nghi, mất lòng tin nơi khách hàng.
Bài viết mang lại một cái nhìn tổng quan về cách mạng 4.0 và những tiêu chí mà một sản phẩm bất động sản cần có để có thể được gọi là 4.0.
Cách mạng 4.0 – Cú chuyển mình lần thứ tư trong lịch sử
Cách mạng 4.0 – gọi chính xác là Cách mạng công nghiệp 4.0 – là lần lột xác ngoạn mục lần thứ tư trong lịch sử phát triển của công nghiệp trên toàn thế giới.
Trước đó, chúng ta có cuộc cách mạng đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần hai sử dụng năng lượng điện và sự ra đời của các dây chuyền sản xuất hàng loạt trên quy mô lớn. Tiếp đó, cuộc cách mạng lần ba sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Và kế thừa cuộc cách mạng lần ba, cuộc cách mạng thứ tư ra đời, tiếp tục mở ra cho nhân loại cơ hội để thay đổi bộ mặt các nền kinh tế.
Nhưng chính xác nó là gì?
Cách mạng 4.0 và 3 trụ cột chính
Theo Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế Giới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là sự kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Cụ thể, cuộc cách mạng này sẽ diễn ra trên cơ sở lấy 3 lĩnh vực là Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý làm ba trụ cột chính.
Tại trụ cột Kỹ thuật số, cách mạng cộng nghiệp 4.0 sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối – Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).
Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, Cách mạng Công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong Nông nghiệp, Thủy sản, Y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu.
Cuối cùng là lĩnh vực Vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano.
Cuộc cách mạng trên 3 lĩnh vực cốt lõi này đã và đang tạo nên những sự chuyển mình mạnh mẽ trên tất cả các nền công nghiệp trên toàn thế giới, đặc biệt tại Mỹ và Châu Âu. Tại Việt Nam, tuy chưa thực sự nổi bật nhưng cách mạng 4.0 cũng đã khởi tạo những làn sóng thúc đẩy quá trình thay đổi và phát triển của nhiều lĩnh vực. Ngành bất động sản Việt Nam đương nhiên không là ngoại lệ.
Khi nào một sản phẩm bất động sản đạt tiêu chuẩn 4.0?
Trong 3 trụ cột của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự thay đổi của ngành bất động sản liên quan mật thiết đến trụ cột kỹ thuật số, thể hiện ở Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối – Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).
Theo đó, những sản phẩm bất động sản cũng dần được phát triển theo hướng tự động hóa các hành vi thông minh như con người, liên kết mọi thứ qua mạng Internet để người dùng kiểm soát bằng thiết bị thông minh và có khả năng phân tích, thay con người ra quyết định dựa trên tập dữ liệu thông tin đủ lớn.
Tuy nhiên, đến mức nào thì chúng ta mới có thể tự tin gọi đó là một sản phẩm hay một hệ thống 4.0?
Theo tờ Forbes và các tác giả Hermann, Pentek, Otto (Design Principles for Industrie 4.0 Scenarios, 2016) một hệ thống gọi là thuộc “công nghiệp 4.0” khi được thiết kế theo nguyên tắc sau:
- Khả năng giao tiếp và kết nối: máy móc, thiết bị, cảm biến và con người, tất cả mọi thứ phải được kết nối và liên lạc với nhau trong cùng một mạng duy nhất.
- Minh bạch thông tin: hệ thống có khả năng tạo ra một “bản sao” của thế giới thật, bản sao này được định hình bằng các dữ liệu thu thập từ cảm biến, máy móc.
- Hỗ trợ kĩ thuật: máy móc, hệ thống phải hỗ trợ con người ra quyết định, giải quyết vấn đề, giúp con người làm những việc quá phức tạp hoặc không an toàn.
- Ra quyết định theo mô hình phân tán: những quyết định đơn giản cần phải được quyết bởi máy, nhanh chóng, tự động, không cần con người can thiệp.
- Định hướng dịch vụ: cá nhân hóa và tập trung vào việc phục vụ con người
- Tính mô-đun: thay đổi từ hệ thống cứng nhắc sang hệ thống có thể thay đổi linh hoạt theo môi trường và nhu cầu khách hàng.
Như vậy, bên cạnh việc hỗ trợ con người những nhiệm vụ hằng ngày như bật tắt các thiết bị điện, đóng mở rèm, trang bị camera an ninh liên kết với smartphone, căn hộ 4.0 còn phải có khả năng giao tiếp trực tiếp với con người, hỗ trợ con người làm những nhiệm vụ khó khăn mà con người không làm được và thay con người ra những quyết định đơn giản bằng trí tuệ nhân tạo. Nói cách khác, căn hộ thông minh thời 4.0 khác với căn hộ tự động hóa thời 3.0. Căn hộ 4.0 là quản gia, là bạn của gia chủ, chứ không đơn thuần là một người giúp việc siêng năng.
Tận tường bản chất của cách mạng 4.0 và những tiêu chí của nó cho một sản phẩm hay một hệ thống là điều vô cùng quan trọng đối với các marketer bất động sản. Nói sao cho vừa thể hiện được sự hiện đại, tiện nghi của sản phẩm, vừa không vượt quá vai trò và chức năng của nó để thuyết phục và giữ được lòng tin nơi khách hàng là thách thức không nhỏ với marketing bất động sản giữa thời kỳ người người, nhà nhà đều khao khát gia nhập “cuộc đua bốn chấm”.
Nguồn: Munkas Agency